Chưa thể kết thúc sớm việc điều tra gian lận thi cử
Đối với tiêu cực xảy ra trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ nói do tính chất phức tạp của vụ việc, công tác điều tra, xác minh vẫn chưa thể kết thúc sớm được
Phát biểu tại Quốc hội sáng nay 31-5, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ "nhận trách nhiệm" vụ gian lận thi cử cũng như các vụ bạo lực học đường và sa sút đạo đức nhà giáo thời gian qua.
Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 đã được tổ chức đáp ứng về cơ bản mục đích, yêu cầu đề ra. Tuy nhiên đã xảy ra tiêu cực, gian lận có tổ chức trong khâu chấm thi tại một số địa phương, gây bức xúc dư luận.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại Quốc hội sáng 31-5 – Ảnh: Truyền hình Quốc hội
"Về phía Bộ GD-ĐT, chúng tôi xin nhận trách nhiệm, đặc biệt là trong việc tổ chức xây dựng các phần mềm chấm thi trắc nghiệm vẫn còn lỗ hổng kỹ thuật để các đối tượng xấu có thể lợi dụng để làm sai lệch kết quả thi.
Việc quán triệt quy chế và tập huấn nghiệp vụ ở một số khâu (nhất là khâu chấm thi) ở một số địa phương cũng chưa chi tiết, hiệu quả chưa cao cũng như công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát của Bộ GD-ĐT ở một số khâu tổ chức thi tại một số địa phương chưa sâu sát", Bộ trưởng Nhạ nói.
Bộ trưởng Nhạ cũng cho biết ngay sau khi nhận được thông tin phản ánh về gian lận thi THPT quốc gia 2018 tại một số địa phương, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD-ĐT đã phối hợp Bộ Công an điều tra xác minh để xử lý các tiêu cực và gian lận thi cử tại Hòa Bình, Sơn La và Hà Giang.
"Do tính chất phức tạp của vụ việc nên mặc dù Bộ Công an đã rất cố gắng và khẩn trương, đã áp dụng các biện pháp nghiệp vụ cao, huy động phương tiện kỹ thuật tiên tiến và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan nhưng công tác điều tra, xác minh vẫn chưa thể kết thúc sớm được.
Quan điểm của chúng tôi là xử lý nghiêm minh. Bộ GD-ĐT cũng đã đề nghị các địa phương xem xét, xử lý nghiêm những cán bộ, công chức, viên chức và phụ huynh có hành vi gian lận điểm thi cho con em mình cần cương quyết đưa ra khỏi ngành giáo dục địa phương những cán bộ giáo viên có sai phạm", ông Nhạ thêm.
Bộ trưởng cũng cho biết đã đề ra một số giải pháp ngăn gian lận thi cử tại kỳ thi THPT quốc gia 2019 như tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác coi thi, chấm thi, nhất là các địa bàn có khả năng xảy ra tiêu cực trong thi cử.
Bộ GD-ĐT cũng sẽ sửa đổi, nâng cấp, hoàn thiện phần mềm chấm thi trắc nghiệm theo hướng mã hóa dữ liệu toàn bộ dữ liệu chấm thi; "đánh phách điện tử" với phiếu trả lời trắc nghiệm; tăng cường tính bảo mật, có chức năng giám sát, kiểm soát chặt chẽ người dùng, đồng thời có thể phát hiện, truy xuất các tác động trái phép vào bài thi…
Đối với việc chấm bài thi tự luận (ngữ văn) do sở GD-ĐT chủ trì, bộ quy định chặt chẽ hơn khâu chấm 2 vòng độc lập, thực hiện chấm kiểm tra tối thiểu 5% số bài thi, trong đó các bài đạt điểm cao phải được chọn để chấm kiểm tra.
Bộ trưởng cũng đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể và đặc biệt là các vị đại biểu Quốc hội tăng cường giám sát, hỗ trợ ngành giáo dục tổ chức kỳ thi 2019 diễn ra thành công, lấy lại niềm tin của xã hội.
Nguồn: tuoitre.vn